Wednesday, May 9, 2012

Phật học thường thức 7 - Sám hối


A. Mở Đề:
Kinh Quán Phổ Hiền nói: “Nếu tội lỗi của chúng sanh có hình tướng thì tất cả hư không cũng chẳng thể chứa hết”. Thế nên chúng ta không ai có thể tự hào là hoàn toàn trong sạch, không mắc phải một sai lầm nào, do đó cần phải thực hành sám hối.
B. Thân Bài:
1. Định Nghĩa:
“Sám” nghĩa là ăn năn lỗi trước, “Hối” nghĩa là chừa bỏ lỗi sau, nói chung có nghĩa là “ăn năn chừa lỗi”.
Tất cả tội lỗi đều phát xuất từ thân, miệng, ý của con người. Giờ đây muốn diệt trừ, không có cách nào khác hơn là biết lỗi, nhận lỗi và chuyển đổi chính mình. Đó chính là trọng tâm của việc sám hối trong đạo Phật.
Các cách sám hối:
1. Cách sám hối sai lầm:
-Người thế gian, khi có tội lỗi với ông bà, làng nước thì dùng trầu rượu, heo gà, tiền bạc để tạ tội.
-Ngoại đạo dùng máu thú vật xin rửa tội với thần linh; hoặc tắm ở những sông, suối mà người ta cho là linh thiêng; hay ép xác như đánh đập thân mình, nhịn đói, nhịn khát, chịu nóng rét, nằm gai nếm mật để được giải thoát tột lỗi.
2. Sám hối chân chính:
Tất cả tội lỗi đều phát xuất từ thân miệng ý của con người
Kinh Trung Bộ, đức Phật dạy La Hầu La: “Nếu trong khi phản tỉnh, ông biết như sau: “Thân, miệng và ý nghiệp này, ta đã làm đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.
Một thân miệng và ý như vậy, ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị đạo sư, hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí.
Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ trình bày, ông cần phải lo âu, cần phải hổ thẹn, nhàm chán, cần phải phòng hộ trong tương lại”.
Có bốn phương pháp:
a. Tác pháp Sám hối: Thiết lập giới đàn, thỉnh chư Tăng thanh tịnh, phải thành thật tỏ bày tội lỗi, hết lòng ăn năn và nguyện về sau không tái phạm.
b.Thủ tướng Sám hối: đến trước tượng Phật, Bồ tát, thành tâm đảnh lễ, bày tỏ lỗi lầm và nguyện chừa bỏ. Thực hành như thế mãi cho đến khi nào thấy tướng hảo của Phật hoặc Bồ tát mới thôi.
c. Hồng danh Sám hối: Nghi thức này thực hành bằng cáh dốc lòng đảnh lễ những danh hiệu tôn quí của chư Phật để diệt trừ những tội lỗi đã tạo trong hiện tại và quá khứ.
Phương pháp này do Pháp sư Bất Động – người đời Tống bên Trung Quốc soạn từ quyển kinh “Ngũ Thập Tam Phật” – từ chỗ Đức Phật Phổ Quang đến chỗ Phật Nhất Thiết Pháp TRang Mãn Vương là 53 danh hiệu Phật, cộng thêm 53 danh hiệu trong kinh “Quán Dược Vương và Dược Thượng” và Pháp thân của Đức Phật A Di Đà.
Cuối cùng là bài kệ “Đại Nguyện” của Bồ Tát Phổ Hiền mà tạo ra nghi thức sám hối có tổng cộng 108 lạy, ý nghĩa là để diệt trừ 108 phiền não của chúng sanh.
Đức Phật Tỳ Bà Thi nói rằng: “Nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu của 53 vị Phật này, thì trăm ngàn ức kiếp không bị đọa vào trong ác đạo”.
Phật Thích Ca cũng có nói: “Thuở xưa vào thời của Đức Phật Diệu Quang, Ta đi tu nhằm vào thời mạt pháp. Do nhờ nghe được danh hiệu của 53 vị Phật này và thành tâm lễ bái nên tránh được những đau khổ trong đường sanh – tử luân hồi trong nhiều kiếp”.
Trong kinh Bảo Tích nói: “Nếu tất cả chúng sanh phạm tội ngũ nghịch hay thập ác đến muôn kiếp không thể sám hối, nhưng chỉ xưng danh hiệu của 53 vị Phật này thì diệt trừ được hết những tội chướng”.
d. Vô sanh Sám hối: Ba pháp trước thuộc về phần Lý. Sự – Lý hỗ trợ nhau thì không có tội nào không diệt, chẳng có phước nào không sanh.
Kinh Quán Phổ Hiền nói:
Tất cả biển nghiệp chướng,
Đều từ vọng tưởng sanh,
Nếu người muốn sám hối,
Ngồi ngay xét lẽ thực,
Tội lỗi như sương móc,
Mặt trời tuệ soi tan.
Tất cả tội lỗi đều từ vọng niệm gây ra, nếu thấu suốt vọng niệm vốn không thật thì tội lỗi từ đâu sanh khởi?
Do quán xét lẽ thật của các pháp là không, thảy đều rỗng lặng, vì thế diệt trừ mọi tội lỗi.
e. Tự tâm chân thành Sám hối: Tự mình nói với Phật, lạy tha thiết chí thành chậm rãi trang nghiêm.
C. Kết Luận:
Nếu thực hành pháp sám hối một cách chân chánh, chúng ta sẽ phát triển được tánh thành thật, trau dồi tính cương quyết diệt trừ thói xấu, dứt sạch tội lỗi, tăng thêm phước huệ.
Tội từ tâm khởi đem tâm sám,
Tâm nếu tịnh rồi tội liền tiêu,
Tôi tiêu tâm tịnh thảy đều không,
Thế mới thật là chân sám hối.