Wednesday, July 4, 2012

Phật học thường thức 8 - Ăn chay


A. Mở đề:
Đức Phật Thích Ca, khi còn là một vị Thái Tử, Ngài đã nói một câu đầy ý nghĩa: "Sự sống, sống bằng sự chết." Hãy nghĩ lại xem: từ khi lọt lòng mẹ đến bây giờ để được sống, mỗi chúng ta đã làm chết bao nhiêu sinh vật rồi?
Đó là chưa kể những kẻ hung ác, giết để được thích thú được tiền tài, danh vọng. Nếu sự sống mà không làm hại chết ai, thì cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao nhiêu! Sự ước ao này có thể thực hiện được một phần lớn, nếu chúng ta áp dụng phương pháp ăn chay mà Đức Phật đã chế ra.
I ĐỊNH NGHĨA:
"Ăn Chay" có nghĩa là ăn thuần tịnh những loại thực vật như: hoa quả, rau củ, đậu, ... và những chất không có máu thịt của động vật.
II NHỮNG LÝ DO ĐỂ ĂN CHAY:
Ăn chay phải hiểu rõ được lý do, mục đích và ý nghĩa của việc mình làm, chỉ với tâm niệm thương xót chúng sanh, mới có thể gìn giữ được tự nhiên và lâu dài.
1. Tránh sự giết hại:
Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật nói:
"... người tu phải dứt trừ sát sanh, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định của chư Phật! Hàng Tỳ kheo trong sạch và chư Bồ Tát, đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm lên cỏ, huống là nhổ cỏ. Làm sao người có lòng thương xót lại ăn thịt chúng sanh?
Ngạn ngữ có câu:
"Máu thịt tràn trề khen hợp miệng,
Đâu hay oán tắng sánh bằng non!
Thân ta chốn đó đang tâm nghĩ.
Ai dám cầm dao cắt thịt mình."
"Xưa nay trong một bát canh
Oán sâu như bể hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh."
2. Nuôi dưỡng từ bi, tôn trọng sự bình đẳng:
Kinh Phạm Võng nói: Người ăn thịt, đoạn đứt hạt giống Phật tính đại từ bi, hết thảy chúng sinh thấy đều tránh xa". Ăn thịt sát sinh là một hành vi tàn nhẫn. Thêm lớn tâm tàn nhẫn này, có thể lợi mình hại người, không việc ác nào mà không làm. Người ăn thịt, súc sinh thấy dáng, nghe mùi đều trốn chạy xa lánh.
Tất cả chúng sanh dù lớn hay bé, dù dữ hay hiền, đều biết tham sống sợ chết, biết vui buồn, no đói như nhau. Sao lại nỡ làm cho máu đổ đầu rơi chẳng hề xót thương tiếng rên xiết, kêu la xin tha mạng! Giết chỉ vì để no bụng, bồi bổ cho mình đó là điều bất công.
3. Tránh được quả báo luân hồi:
Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật nói: "Nên biết những người ăn thịt, giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao ra khỏi luân hồi? Chúng sanh nhiều đời mê muội thân làm cha mẹ, quyến thuộc lẫn nhau, ngày nay ăn thịt chúng sanh là nhai nuốt thịt cha mẹ quá khứ của mình."
4. Hợp vệ sinh và phòng được bệnh tật:
Khoa học đã chứng minh: "Trong rau củ, cải, đậu có rất nhiều chất đạm, vitamin bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể ngang bằng với thịt cá như: đậu nành, rau muống có hàm lượng dinh dưỡng ngang bằng với thịt bò. Củ dền, khoai tây có đầy đủ chất sắt để tạo máu và cứng xương... Ngoài rau củ, trái cây giúp cơ thể hấp thụ và bài tiết được tốt. Nên cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, sống thọ." Do vậy, không có lý do gì để viện cớ ăn thịt thì đầy đủ sức khỏe hơn. Phong trào ăn chay đang lan rộng khắp nơi giữa những người ý thức, và ta thấy xuất hiện trên thị trường vô số các thực phẩm chay tươi ngon, bổ dưỡng hơn thịt và hoàn toàn không có các độc tố của thịt.
III CÁCH THỨC ĂN CHAY
1. Chương trình ăn chay
Chia làm hai loại: ăn chay kỳ và ăn chay trường.
a) Ăn chay kỳ: có kỳ hạn nhất định trong mỗi tháng hay mỗi năm:
Nhị trai: Ăn 2 ngày chay trong mỗi tháng vào ngày mồng 1 và 15
Tứ trai: Ăn 4 ngày chay trong tháng: mồng 1, mồng 8, 15 và 23
Lục trai: Ăn sáu ngày chay trong tháng là: mồng 1, mồng 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 (nếu tháng thiếu thì 27, 28, 29).
b) Nhất nguyệt trai: là ăn một tháng chay vào tháng giêng hay tháng bảy.
c) Tam nguyệt trai: là ăn 3 tháng chay: Tháng giêng, tháng 7 và tháng 9 (hay tháng 10) hoặc liên tiếp trong 3 tháng.
Nếu tập ăn chay kỳ trong một thời gian mà không gặp trở ngại, khó khăn và nhận thấy có lợi ích, thì nên lần đến ăn chay trường.
d) Ăn chay trường hay trường trai là ăn toàn chay luôn trong mỗi ngày không gián đoạn cho đến hết đời.
e) Ngọ trai: không ăn sau 12 giờ trưa
3. Những điều cần tránh
Không nên kiêu mạn, háo danh, ép xác, giả mặn quên ngày chay, không nên dùng ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ) vì các thứ này đã hôi, lại có nhiều chất kích thích lòng dục vọng.
IV. LỢI ÍCH CỦA SỰ ĂN CHAY:
1. Phương diện cá nhân
Có thể phát triển trí tuệ thân thể được khỏe mạnh; tinh thần được nhẹ nhàng, trong sạch, trí tuệ được minh mẫn dễ tu tập.
Sách Lễ Ký nói: Ăn thịt dũng cảm nhưng hung hản, ăn chay thông minh mà hiền hậu." Điều này cực kỳ quan trọng đối với thành phần trí thức trẻ.
2. Phương diện xã hội, nhân loại, chúng sanh
Nếu ai ai cũng ăn chay thì thế giới này làm gì có tiếng rên siết vì chết oan của loài vật và tiếng than thở, đau đớn của sự tàn sát. Một nhà Bác học nói: "Muốn thế giới hòa bình, bắt đầu trong bữa ăn của con người phải không có một chút máu hay một miếng thịt cá nào cả." Câu nói đầy đạo đức này cũng đồng một ý nghĩ với câu nói của Cổ nhân: tất cả chúng sanh không sát hại, lo gì thế giới có đao binh.
Người ăn chay là một chiến sĩ của hòa bình. Thật vậy người ăn chay, với một tâm từ bi vô lượng, coi muôn loài là mình, mình là muôn loài, không giết hại sanh vật để thỏa mãn dục vọng, không bao giờ nỡ tâm tàn sát đồng loại để đạt mụch đích lợi danh.

2 comments:

  1. A Di Đà Phật. Khi mẹ tôi qua đời, tôi cảm thấy sự sống sao mong manh,nỗi đau lớn quá tôi không thể làm được gì để thấy nhẹ lòng, và tôi phát tâm ăn chay trước là để mẹ được siêu thoát tịnh độ, sau là bớt đi nghiệp chướng giết hai chúng sinh. tôi đã ăn chay và cảm thấy thanh thản, an vui... từ đó đến nay tôi nguyện ăn chay trường để giữ giới và giữ cho mình được thanh tịnh.

    ReplyDelete
  2. A Di Đà Phật. Cám ơn Mai Khoa đã chia sẻ. Diệu Sương cũng phát nguyện chay trường khi Cha mất, cũng có cảm nhận tương tự như Mai Khoa vậy.

    ReplyDelete